Công việc chính của lãnh đạo là làm việc với con người. Hễ cứ ai đi đi lại lại trong tổ chức hằng ngày thì kỹ năng lãnh đạo của bạn buộc phải len vào họ.
Chúng ta là một tổng thể của doanh nghiệp, bất kể ai không thuộc bộ phận bạn đang phụ trách, thì sớm muộn bạn và anh ta cũng ảnh hưởng và tác động liên quan đến nhau.
Có ba nhóm đối tượng chính trong tổ chức mà chúng ta phải ảnh hưởng đến họ. Đó là cấp dưới, đồng cấp và cấp trên.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ không đi sâu vào cách thức quản lý, tương tác, làm việc hiệu quả với từng đối tượng.
Thay vào đó, chúng ta sẽ nói về tâm lý chủ đạo và mục tiêu quan trọng nhất của từng nhóm, từ đó bạn sẽ tự phát triển các ý tưởng lãnh đạo xoay quanh những mục tiêu đó.
Và có một điều tôi muốn nhắc lại vì nó quan trọng, đó là nền tảng của lãnh đạo chính là sự tự lãnh đạo bản thân mình trước.
Đọc thêm bài viết: Hai trọng tâm về phát triển năng lực lãnh đạo
Bởi bạn chính là thầy giáo dạy cho người khác biết cách cư xử với chính bạn bằng mức độ bạn đang đối xử với chính mình.
Có câu đừng vội đánh giá ai đó chỉ thông qua thái độ, bởi vì thái độ của họ thực ra là đang phản ánh tính cách của chính bạn, chứ không phải tính cách của họ.
Bạn cũng không thể lãnh đạo thành công theo kiểu làm theo lời tôi nói chứ không phải theo cách tôi làm.
Bây giờ chúng ta sẽ đi qua ba nhóm đối tượng và chìa khóa tâm lý lãnh đạo của từng nhóm.
1
Cấp dưới, hãy truyền cảm hứng cho họ
John Maxwell nói: nếu bạn đang coi mình là một lãnh đạo mà không có ai đi theo thì thực ra bạn chỉ là một kẻ độc hành.
Đó là bước đầu tiên và tối thiểu trên hành trình lãnh đạo.
Mà mục tiêu sau cùng của nhà lãnh đạo thực sự thì không đơn giản chỉ là tạo ra những người đi theo, mà là phải giúp anh ta tạo ra những người đi theo. Hay nói dễ hiểu hơn là bạn phải tạo ra những nhà lãnh đạo.
Vì những nhà lãnh đạo thực thụ sẽ biết cách để những người đi theo, nghĩ và tin rằng bản thân anh ta chính là một nhà lãnh đạo, tin rằng chính anh ta đang tạo ra kết quả, tin rằng anh ta là một phần quan trọng làm nên thành công của tổ chức.
=> Mục tiêu trong việc lãnh đạo cấp dưới chính là truyền cảm hứng.
Nghĩa là giúp anh ta không chỉ làm tốt những gì anh ta có thể, mà còn phải làm tốt hơn những gì anh ta nghĩ rằng là anh ta có thể.
Không có gì giá trị hơn khi những người đi theo được lãnh đạo tôn trọng, ghi nhận và đánh thức tiềm năng cho bản thân mình.
2
Đồng cấp, hãy trở thành người bạn
Nếu có một cách nào đó mô tả đơn giản và chính xác năng lực lãnh đạo thì chính là thông qua việc mọi người lựa chọn đi theo bạn, trong khi họ hoàn toàn có thể không phải chọn như vậy.
Tương tự như đồng cấp của bạn, những người không được hưởng lợi, không bị ràng buộc và có rất ít những mối quan hệ liên quan đến bạn, chính là những người sẽ định nghĩa trực quan nhất năng lực lãnh đạo của bạn.
Bạn phải lãnh đạo hay còn gọi là gây ảnh hưởng lên họ, vì đơn giản họ vẫn ở trong cùng một tổ chức với bạn.
Và chìa khóa để lãnh đạo đồng cấp hiệu quả, hay nói cách khác để hoàn thành chu trình lãnh đạo của bạn vừa dễ lại vừa khó.
=> Đó là hãy trở thành một người bạn.
Có nhiều ý tưởng cho việc phát triển một tình bạn vượt qua ngoài khung giờ 8h sáng 5h chiều, như là hãy quan tâm đến anh ta, học hỏi từ anh ta, đánh giá cao anh ta, đóng góp giá trị cho anh ta, hay hãy cùng thành công với anh ta…v.v…
Còn trong trường hợp bạn ghét anh ta vì một lý do nào đó, thì hãy quay trở lại với chủ thể đầu tiên của lãnh đạo. Đó là liệu có phải bạn đang tự ghét khía cạnh nào đó của chính mình, cho nên không thể hòa hợp với người khác không ạ. Một cái mũi bị quẹt đầy phô mai thì đi đâu cũng ngửi thấy mùi phô mai.
3
Cấp trên, hãy đồng hóa ưu tiên với lãnh đạo
Có vẻ mọi chuyện nan giải hơn khi nghĩ đến chuyện phải lãnh đạo cấp trên của mình. Nhất là trong nhiều trường hợp, bạn chỉ nhìn thấy những điểm xấu của sếp mình.
Có câu nói để tổ chức được cộng thêm thì lãnh đạo cấp dưới, để tổ chức nhân lên thì lãnh đạo cấp trên.
Bạn có thể gia tăng giá trị cao nhất bằng cách thúc đẩy tiềm năng lãnh đạo ở cấp trên mình, điều này đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
=> Chìa khóa đơn giản đó là hãy biến ưu tiên của cấp trên thành ưu tiên của chính bạn.
Bạn hãy nhớ lại có phải thời kỳ tốt đẹp nhất trong sự nghiệp của bạn chính là quãng thời gian mà mối quan hệ của bạn và cấp trên của mình hòa hợp hay không.
Thường cấp trên bạn sẽ là người hiểu rõ cái gì là pareto và đau đáu với tầm nhìn tổ chức, nên việc bạn học cách đồng hóa ưu tiên với cấp trên, chính là con đường ngắn nhất để bạn thăng tiến và gia tăng giá trị cho tổ chức.
Kết lại
Hãy hướng tới việc trở thành một biểu tượng mà ai cũng muốn được lại gần, một người mà mọi người xem như tri kỉ, một người mà họ có thể tin tưởng trong công việc lẫn ngoài đời sống. Nó vượt ra khỏi nhiệm vụ của một lãnh đạo và trở thành lối sống của lãnh đạo.