Trước đây H có một số năm làm việc tập đoàn lớn (TTC Group, MW Group), từ đó được tham gia nhiều dự án, nên có nhiều cơ hội để trải nghiệm, quan sát và đối chiếu với các môi trường và lĩnh vực khác nhau.
Qua đó, H nhận thấy rõ là những thành công và thất bại của chính mình và người khác đều tỉ lệ thuận với năng lực lãnh đạo của người chịu trách nhiệm cho từng dự án.
Nên khi chúng ta nghe những người thành công chia sẻ, hay thậm chí bản thân H đã trải nghiệm. Rằng có những ý tưởng rất hay, rất sáng tạo, rất truyền cảm hứng, nhưng khi quyết định hợp tác với người nào đó, dường như chúng ta sẽ không quá nghe hay nhìn vào những trí thông minh, nguồn vốn, mối quan hệ hay lợi thế nào họ có, mà chúng ta nhìn vào một thứ ưu tiên bắt buộc khác, đó chính là tính cách của họ.
Rằng họ có toát lên năng lượng chịu trách nhiệm không? có gây ảnh hưởng lên chúng ta một cách tự nhiên không? có dám chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng không? có chính trực thông qua những biểu hiện ngôn từ, hành vi không? Tóm lại là có đủ năng lực lãnh đạo không?
Và có hai trọng tâm về phát triển năng lực lãnh đạo.
Trọng tâm thứ 1
“Mọi thăng trầm đều phụ thuộc vào lãnh đạo (Everything rises and falls on leadership)
John Maxwell
Trong bài viết trước H đã có đề cập tới quy luật nắp chặn của J. Maxwell. Rằng “Khả năng lãnh đạo của bạn ở mức độ nào, thì sẽ quyết định thành công của bạn và doanh nghiệp ở mức độ đó”.
Dễ hiểu hơn thì từ 1 cho đến 10 nếu năng lực lãnh đạo của bạn ở mức 6 điểm thì doanh nghiệp và đội nhóm của bạn có thể đạt tối đa là 5 điểm, không thể hơn được.
Bởi vậy John có câu nói nổi tiếng là “mọi thăng trầm thì đều phụ thuộc vào nghệ thuật lãnh đạo” chứ không phải trí thông minh, dòng tiền hay mối quan hệ.
Đó cũng chính là chìa khóa để phát triển doanh nghiệp, gia đình, đội nhóm và quan trọng nhất là phát triển chính bản thân chúng ta.
Vậy thì việc chúng ta cần làm là, sẽ không ngừng cần nâng nắp chặn của mình lên khoảng 8, 9 điểm, để nâng cao đội nhóm, doanh nghiệp lên mức 7, 8 điểm.
Dù chúng ta đang ở cấp độ nào đi nữa, thì vẫn cần nâng nắp chặn của mình lên, bởi chẳng có một giới hạn nào của lãnh đạo cả.
Trọng tâm thứ 2
“Lãnh đạo là gây ảnh hưởng, không hơn, không kém (Leadership is influence, nothing more, nothing less)
John. C. Maxwell
Gây ảnh hưởng là khả năng thấu hiểu, thu phục lòng người một cách tự động, tự nhiên, không cần nỗ lực.
Nghĩa là chúng ta đang sống trong một thế giới của những tác động và chi phối tự nhiên. Rằng trong mọi thời điểm, bối cảnh thì chúng ta đều gây ảnh hưởng lên người khác, hoặc bị ảnh hưởng bởi người khác.
Sự ảnh hưởng tự nhiên nó giống như việc đứa bé bị gây ảnh hưởng bởi cha mẹ khi ở nhà, nhưng chính nó lại gây ảnh hưởng lên bạn bè khi đến lớp, hay người cha mẹ này thì lại bị ảnh hưởng bởi những người phục vụ khi đến quán ăn. Thế giới này và chúng ta ràng buộc nhau bởi sự ảnh hưởng.
Theo một nghiên cứu thì người trầm tính nhất ở trên thế giới cũng tự động ảnh hưởng lên ít nhất là 10.000 người trong suốt cuộc đời anh ta. Bản thân chúng ta thì mỗi ngày vẫn đang cố gắng gây ảnh hưởng ít nhất lên 4 người, bằng chứng là chúng ta đã từng cố gắng thuyết phục, đàm phán, muốn người khác làm theo ý mình.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để không cần sử dụng chiêu trò, không dọa nạt, không chèo kéo, mà chúng ta vẫn khiến cho người khác đồng thuận theo ý mình, thậm chí còn đến mức mà không cần nói gì họ vẫn đoán ý, vẫn làm theo, đi theo vô điều kiện.
Câu trả lời là bằng cách học về nghệ thuật gây ảnh hưởng hay còn gọi là nghệ thuật lãnh đạo.
Có 03 lưu ý sẽ giúp cho bạn bắt đầu xây dựng và phát triển khả năng gây ảnh hưởng của mình.
- Một, bạn đã sẵn có khả năng ảnh hưởng rồi. Nó thường nằm trong một số những khía cạnh sở trường, điểm mạnh, chuyên môn nào đó của bạn. Hãy phát triển từ chính những lợi thế đó.
- Hai, bạn sẽ không thể ảnh hưởng lên mọi người ở tất cả lĩnh vực. Vậy nên hãy chuyền trái bóng ảnh hưởng lên những người có sẵn lợi thế ở trong những mảng chuyên môn và tài năng của họ.
- Ba, chúng ta không thể ảnh hưởng tới tất cả mọi người theo cùng một cách giống nhau. Rằng dù là bắt đầu từ sở trường của chúng ta đi nữa thì cũng hãy biết cách phát triển ảnh hưởng đó theo nguyên tắc kim cương, tức là theo cách người khác muốn chứ không phải là đơn giản nguyên tắc vàng, tức là theo cách mà bạn muốn và giả định là họ cũng muốn giống bạn.
Tóm lại lãnh đạo là dẫn dắt bằng sức ảnh hưởng thay vì bằng quyền lực, chiêu trò hay bất kỳ một tác động tiêu cực đối với mọi người.